Ở bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về các mô hình giá phổ biến trong Forex rồi. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu một mô hình khác cũng phổ biến không kém trong phân tích kỹ thuật, đó là mô hình đồ thị nến Nhật. Mô hình này thể hiện tâm lý nhà đầu tư và hành động giá của họ trong phiên giao dịch. Chắc nhiều bạn đã nghe qua mô hình này rồi nhưng không phải ai cũng hiểu tất tần tật về mô hình. Trong bài viết này, mình sẽ cập nhật các thông tin liên quan đến đồ thị nến Nhật, cùng tham khảo nhé!
Mục lục
Tìm hiểu khái niệm đồ thị nến Nhật
Đồ thị nến Nhật là công cụ phân tích kỹ thuật cơ bản và phổ biến trong đầu tư tiền điện tử, chứng khoán, Forex, hàng hóa…. Nó thể hiện sự chuyển động của giá trong mọi khung thơi gian. Có thể là 1 phút, 1 giờ, 1 tuần cho tới thời gian dài như 1 tháng, 1 năm. Là biểu đồ tài chính quan trọng trong đầu tư. Dựa vào đồ thị, nhà đầu tư có thể nắm bắt được giá tài sản vào lúc phiên mở, phiên đóng, giá cao nhất/thấp nhất.
Từ tên gọi, có lẽ ai cũng đoán ra được đồ thị này được phát minh ra bởi người Nhật, Munehisa Honma. Lúc đầu, Munehisa Honma tạo ra đồ thị này trong việc phân tích chuyển động giá gạo trên thị trường hàng hóa. Ngoài ra, đồ thị còn được dùng để đối chiếu, so sánh và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giá gạo trong thời gian đó.
Từ sau khi được Steve Nison nghiên cứu và xuất bản thành sách, đồ thị nến Nhật mới phổ biến rộng rãi trong làng đầu tư. Ở thời điểm hiện tại, nó là một trong các mô hình không thể thiếu trong phân tích và đầu tư.
Đặc điểm của đồ thị nến Nhật
Giao dịch bằng đồ thị nến Nhật đầy đủ sẽ bao gồm hai phần, thân và bóng. Mỗi phần sẽ có những đặc điểm và phạm vi thể hiện khác nhau, cụ thể như sau.
– Phần thân của đồ thị nến Nhật sẽ cho chúng ta biết được sự chuyển động giá khi mở và đóng phiên. Theo đó, giá mở cửa là giá khởi đầu của một phiên nhất định còn giá đóng cửa là giá kết thúc của phiên giao dịch đó.
– Phần bóng của đồ thị nến Nhật sẽ cho chúng ta được mức giá cao nhất/thấp nhất trong một phiên giao dịch cụ thể. Trong đó, bóng trên là mức giá cao nhất còn bóng dưới là mức giá thấp thấp của phiên.
Bên cạnh đó, đồ thị nến Nhật còn thể hiện hai màu xanh đỏ. Màu xanh là khi giá tài sản tăng, màu đỏ là khi giá tài sản giảm.
Có thể bạn quan tâm: Sóng Elliott là gì? Giao dịch theo sóng Elliott như thế nào?
Ý nghĩa của mô hình đồ thị nến Nhật
Trong đầu tư, các traders cần biết được giữa hai phe mua – bán, bên nào đang chiếm ưu thế để vào lệnh Buy – Sell cho phù hợp. Mô hình này sẽ giúp các traders nắm bắt được điều này. Và để biết được, traders chỉ cần nhìn vào đặc điểm thân nến. Nếu thân nến xanh dài, trên thị trường lúc này, bên mua đang chiếm ưu thế áp đảo. Còn khi thân nến đỏ dài thì trên thị trường lúc này, bên bán đang là phe chiếm ưu thế hơn. Theo đó, hãy nhìn vào độ dài của thân nến để nhận biết mức độ áp đảo như thế nào, thân nến càng dài thì mức độ áp đảo càng lớn.
Còn về ý nghĩa còn bóng nến thì sao? Bóng nến sẽ cho chúng ta biết được sự chuyển động cụ thể của giá trong phiên giao dịch.
– Trường hợp bóng trên dài, bóng dưới ngắn thể hiện giá đóng cửa gần với giá mở cửa. Nguyên nhân là do bên mua đang chiếm ưu thế, “thuận thuyền” đẩy mức giá lên cao. Nhưng sau đó, bên bán lại nhảy vào tác động trực tiếp lên giá, làm giá giảm.
– Trường hợp bóng trên ngắn, bóng dưới dài, tuy đặc điểm ngược lại nhưng kết quả vẫn giống như trên, giá đóng cửa gần với giá mở cửa. Cụ thể, bên bán đang chiếm ưu thế, kiểm soát tốt thị trường và đẩy giá giảm. Nhưng sau đó, bên mua lại nhảy vào tác động làm giá tăng.
– Trường hợp thân nến ngắn và không có bóng: Lúc này, cả hai phe trên thị trường đều ở trạng thái tĩnh, không có thời gian chiếm lĩnh thị trường.
Các loại mô hình nến Nhật phổ biến trong đầu tư tài chính
Thực tế, không chỉ có một kiểu đồ thị nến Nhật, khi giao dịch, traders có thể sẽ gặp một vài mô hình khác nhau. Vậy có những loại đồ thị nến Nhật như thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp trong phần này.
Mô hình nến Nhật đảo chiều
Như tên gọi, mô hình này sẽ báo hiệu cho một sự đảo chiều của chuyển động trước đó. Ví dụ, mô hình xuất hiện sau chuyển động giảm thì sẽ báo hiệu giá đảo chiều tăng. Còn nếu mô hình xuất hiện sau chuyển động tăng thì sẽ báo hiệu giá đảo chiều giảm. Nếu nắm được mô hình này, các nhà giao dịch có thể xác định được thời điểm vào lệnh/thoát lệnh chuẩn xác.
Mô hình nến Nhật tiếp diễn
Ngược với mô hình đảo chiều, mô hình tiếp diễn báo hiệu mức giá sẽ tiếp diễn chuyển động trước đó. Nói chung, nếu xuất hiện mô hình này, traders cứ việc giữ lệnh. Cho đến khi xuất hiện mô hình đảo chiều thì mới sẵn sàng vào lệnh/thoát lệnh.
Hướng dẫn cách đọc đồ thị nến Nhật
Đương nhiên, hiểu được mô hình là một phần, quan trọng là các traders phải biết cách đọc đồ thị nến Nhật. Nếu không biết cách đọc thì sẽ không thể nào sử dụng được mô hình này trong đầu tư. Từ đồ thị này, các traders có thể tìm ra xu hướng chuyển động giá, điểm vào lệnh, cắt lỗ và chốt lời một cách chuẩn xác.
Sự hình thành của các mẫu nến riêng lẻ
Báo hiệu cho sự xuất hiện của mô hình đảo chiều mạnh mẽ trong tương lai gần. Ví dụ trường hợp của nến búa Hammer (Hammer Formation. Đặc điểm là thân nến nhỏ, bóng trên ngắn, bóng dưới dài. Lúc này, giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, như vậy, có thể thấy được đây là một mô hình tăng. Điều traders cần làm là chờ khi nến búa đóng cửa thì đóng lệnh Sell, mở lệnh Buy.
Trường hợp hình thành mô hình đa nến
Ngoài các mẫu nến riêng lẻ thì mô hình đa nến xuất hiện cũng khá phổ biến. Ví dụ: mô hình nến nhấn chìm, ba con quạ đen…. Mình sẽ lấy ví dụ của mô hình nến nhấn chìm tăng. Đặc điểm của mô hình này là cây nến xanh tăng, gần như bao trọn lấy toàn bộ nến đỏ. Mô hình báo hiệu một sự đảo chiều từ chuyển động giảm sang chuyển động tăng. Điều traders cần làm là chờ nến nhấn chìm đóng cửa thì đóng lệnh Sell, mở lệnh Buy.
Nhận biết các mô hình giá
Các mô hình riêng lẻ chỉ phù hợp với đầu tư lướt sóng (ngắn hạn). Còn những nhà đầu tư giao dịch dài hơi thì thường quan tâm nhiều hơn đến các mô hình giá. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm về các mô hình giá quan trọng trong đầu tư Forex. Sau đó, dựa vào đặc điểm từng mô hình giá để nhận biết và tìm ra điểm vào lệnh/thoát lệnh hợp lý.
Ví dụ trong mô hình tam giác cân, hai bên mua-bán đang chiếm ưu thế ngang nhau. Đương nhiên, chúng ta không thể biết được giá sẽ chuyển động theo xu hướng tăng hay giảm. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, mô hình sẽ dự báo thị trường bùng nổ và giá sẽ đi về một phía. Lúc này, traders có thể đặt lệnh chờ mua ở cạnh tam giác trên và đặt lệnh chờ bán ở cạnh tam giác dưới.
Hạn chế của đồ thị nến Nhật
Đây là một trong các công cụ phân tích kỹ thuật hiệu quả trong đầu tư tài chính. Tuy nhiên, giao dịch bằng đồ thị nến Nhật vẫn còn một số hạn chế nhất định.
– Đồ thị nến Nhật chỉ là một tên gọi, thực tế, có rất nhiều mô hình. Mặc dù đã được phân loại nhưng số lượng mô hình quá nhiều. Điều này có thể khiến các nhà giao dịch khó lòng nhớ hết được tên, đặc điểm của mô hình. Hơn nữa, việc lẫn lộn giữa các mô hình là điều có thể xảy ra.
– Giao dịch trong khung thời gian càng nhỏ thì thông tin càng dễ bị sai lệch. Nhiều tín hiệu giả sẽ làm nhà đầu tư dễ đưa ra quyết định sai lầm. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp khuyên chúng ta nên phân tích nhiều khung thời gian khi giao dịch. Ngoài ra, cần phải kết hợp với các chỉ báo để tăng độ chính xác của thông tin và các tín hiệu.
Tổng kết
Có thể thấy, đồ thị nến Nhật tương đối khó. Đối với các nhà đầu tư mới tham gia thì có lẽ cần nhiều thời gian hơn để làm quen. Phải tìm hiểu thật kỹ và nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các loại đồ thị nến Nhật thì nhà đầu tư mới dễ dàng áp dụng hiệu quả được. Tuy vậy, mong rằng những thông tin trên sẽ cho các traders cái nhìn tổng quan về mô hình nến Nhật. Ngoài ra, nếu muốn tìm hiểu thêm các mô hình khác, hãy truy cập website của chúng tôi thường xuyên!
Tổng hợp: trangtienao.com